Phnom Penh (Thủ đô thành phố Cambodia)

291 Lượt xem

Phnom Penh là thành phố lớn nhất và là thủ đô của Vương quốc Campuchia. Đây cũng là thủ phủ của thành phố tự trị Phnôm Pênh. Từng được gọi là “Hòn ngọc châu Á” thập niên 1920, Phnom Penh cùng với Siem Reap và Sihanoukville, là những thành phố thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế của Campuchia.

Nhắc đến Campuchia thì không thể bỏ qua cái tên Phnôm Pênh – là thủ đô của Campuchia và cũng là thành phố phát triển nhất nước. Đến với địa danh này du khách cũng được khám phá nhiều công trình kiến trúc mang phong cách Pháp cùng nhiều công trình đặc sắc khác của người Khmer. Ngoài ra thì nền văn hoá của người Khmer cũng là nét thu hút nhiều khách du lịch. Ở Việt Nam ta cũng có nhiều cộng động người Khmer đang sinh sống nên bạn có thể xem thử có gì khác với người dân Khmer tại Phnôm Pênh hay không nhé.

Giới thiệu về Phnôm Pênh

Phnôm Pênh (hay Phnom Penh) còn được gọi là Nam Vang hay Nam Vinh (là phiên âm mà người Hoa và người Việt lúc xưa hay dùng). Đây chính là thành phố lớn nhất và là thủ đô của Vương quốc Campuchia. Từng được gọi là “Hòn ngọc châu Á” vào những năm 1920, thành phố này đến hiện tại vẫn có nhiều toà nhà mang ảnh hưởng kiến trúc Pháp cùng nhiều ngôi đền chùa, công trình đặc sắc khác. Nằm ở hợp lưu của sông Mekong, Tonle Sap và Bassac, Phnôm Pênh còn được xem là cái nôi của tín ngưỡng Phật Giáo cũng như là nơi ghi lại dấu ấn lịch sử rõ nét của người dân Campuchia.

Giải thích tên gọi là Phnôm Pênh?

Cái tên gọi này xuất phát từ chùa Wat Phnom Daun Penh (hay Wat Phnom, nghĩa là “Chùa trên đồi”). Ngôi chùa này được xây từ năm 1373, là nơi thờ phụng các pho tượng Phật nằm trên một gò đất nhân tạo cao 27 mét. Tên quả đồi cũng lấy từ nhân vật Daun Penh (Bà Pênh) – là một góa phụ giàu có sinh sống tại đây. Ngoài ra thì Phnôm Pênh còn có nghĩa là “vùng đất của Bà Pênh”. Bên cạnh đó thành phố Phnôm Pênh từng một thời còn có tên là “Krong Chaktomuk” có nghĩa “Thành phố 4 mặt” vì do nằm trên ngã tư của các con sông Mekong, Bassac, sông Tonlé Sap chạy ngang tạo thành 4 ngả sông. “Krong Chaktomuk” còn là cách gọi tắt tên sắc phong mà vua Ponhea Yat đã đặt cho vùng đất này là “Chaktomuk Mongkol Sakal Kampuchea Thipadei Sereythor Inthabot Borei Roth Reach Seima Maha Nokor”.

Các thông tin cần biết về Phnôm Pênh

  • Tên gọi: thủ đô Phnôm Pênh
  • Quốc gia: Campuchia
  • Diện tích: 679 km2
  • Dân số: 2,854,951 người
  • Ngôn ngữ: tiếng Campuchia (tiếng Khmer)
  • Tôn giáo: Phật giáo Nam tông
  • Múi giờ: UTC+7
  • Mã điện thoại: +855 (023)
  • Tiền tệ: đồng Riel (ký hiệu: KHR)

Du lịch Phnôm Pênh có gì hay?

Phnôm Pênh chỉ cách TP.HCM tầm 240 km và gần hơn cả Đà Lạt. Đây cũng là thành phố nước ngoài quen thuộc với người Việt nhất bởi có hơn 30% người dân và 80% quan chức có thể nói tiếng Việt. Trên khắp đường phố Phnôm Pênh cũng xuất hiện nhiều bảng tên cửa hàng, cửa hiệu được viết bằng tiếng Việt cạnh tiếng Khmer, tiếng Anh, tiếng Hoa. Ngoài ra còn có cả siêu thị, trung tâm thương mại và các quán ăn thuần Việt. Vì thế nên du lịch Phnôm Pênh cũng khá thú vị để bạn khám phá

Lịch sử

Theo truyền thuyết thì vào cuối thế kỷ 14, khi mà Angkor vẫn còn là thủ đô của người Khmer và Phnôm Pênh vẫn còn có tên gọi là Chaktomuk. Có một người phụ nữ địa phương được gọi là Daun Pênh (“Bà ngoại” hoặc “Bà già Pênh”) bằng tiếng Khmer) khi đang lấy củi dọc theo bờ sông thì bắt gặp cây koki nổi trên sông và vớt nó lên. Bên trong cái cây, bà tìm thấy bốn bức tượng Phật và một trong những vị thần Vishnu. Phát hiện này được xem như là một điềm báo phước lành thiêng liêng, là dấu hiệu cho thấy đế quốc Khmer sẽ được dời kinh đô từ Angkor đến Phnôm Pênh. Sau đó bà Pênh đã xây một ngôi chùa Wat Phnom nằm trên ngọn đồi phía Bắc trung tâm thành phố để thờ phụng các bức tượng Phật và thần Vishnu này. Đến thế kỷ 15 thì Phnôm Pênh chính thức được chọn làm kinh đô của Campuchia dưới triều vua Ponhea Yat khi kinh đô Angkor Thom đã bị quân Xiêm đánh chiếm nên hoàng thất phải rút về phía Đông Nam để xây dựng lại kinh đô mới. Nhưng mãi đến năm 1866 triều vua Norodom I thì Phnôm Pênh mới trở thành thủ đô dài lâu của người Khmer.

Khi người Pháp sang lập nền bảo hộ trên xứ Campuchia thì họ cũng tiến hành đào kênh rạch, xây đắp đường sá và mở rộng bến cảng thông thương buôn bán. Cho đến những năm 1920 thì cảnh quan đẹp đẽ của Phnôm Pênh đã tạo được danh tiếng, mệnh danh là “Hòn ngọc châu Á”. Khi chiến tranh Đông Dương lần 2 xảy ra thì quân Khmer Đỏ đã tiến chiếm được Phnôm Pênh và tiến hành đàn áp dã man. Đến năm 1979, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiến chiếm Phnôm Pênh và đánh bại Khmer Đỏ. Dân chúng Campuchia mới dần quay trở về thành phố. Thủ đô Phnôm Pênh lại khởi sắc, tiến hành chấn chỉnh cũng như xây dựng lại với sự viện trợ của nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Địa lý

Phnôm Pênh có vị trí ngay phía Trung Nam ở Campuchia, khu vực hợp lưu của sông Tonlé Sap và sông Mekong. Những con sông này là nguồn cung cấp nước ngọt và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác cho thành phố. Có thể thấy Phnôm Pênh và các khu vực xung quanh là một khu vực đồng bằng ngập lụt điển hình của đất nước Campuchia. Mặc dù nằm ở độ cao 11,89 mét so với sông, nhưng lũ lụt lại được xem là một vấn đề lớn của Phnôm Pênh và đôi khi nước sông còn tràn bờ.

Khí hậu

Về thời tiết thì ở Phnôm Pênh có khí hậu nhiệt đới gần giống vùng Nam Bộ của Việt Nam, đó là nóng quanh năm và biên độ dao động thấp. Thành phố chia thành 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 còn mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trong năm thường dao động từ 22°C đến 35°C và thời tiết phụ thuộc vào gió mùa nhiệt đới. Gió mùa Tây Nam thổi vào đất liền mang gió ẩm từ vịnh Thái Lan và Ấn Độ Dương vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Còn gió mùa Đông Bắc thì xuất hiện vào mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4. Thành phố Phnôm Pênh có lượng mưa lớn nhất từ tháng 9 đến tháng 10 và thời kỳ khô hạn nhất là tháng 1 và tháng 2. Nhìn chung thì thời tiết cũng không ảnh hưởng lắm đến các chuyến du lịch Phnôm Pênh. Du khách có thể ghé thăm thủ đô của Campuchia vào bất cứ thời gian nào trong năm cũng được.

Văn hoá và con người

Thủ đô Phnôm Pênh là nơi sinh sống chủ yếu của người Campuchia (hay còn gọi là người Khmer) – chiếm đến 90% dân số. Ngoài ra thì cũng có nhiều nhóm thiểu số người Hoa, người Việt, người Thái Lan, Budong, người M’Nông, người Chăm,… Tôn giáo chính là Phật giáo Nam Tông với hơn 90% người dân sống ở Phnôm Pênh đều là Phật tử. Bên cạnh đó cũng có đạo Hồi với đạo Kitô giáo. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Khmer nhưng tiếng Anh và tiếng Pháp cũng được sử dụng rộng rãi trong thành phố. Đặc biệt du khách Việt sẽ thấy người dân địa phương giao tiếp bằng tiếng Việt cũng sành sõi không kém gì người Việt Nam mình.

Ẩm thực

Nơi đây là một điểm đến vô cùng lý tưởng để du khách khám phá nét ẩm thực phong phú, đặc sắc của người Campuchia nói chung và ẩm thực Khmer nói riêng. Trong chuyến vi vu đến Phnôm Pênh thì du khách đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức các món ăn đặc sản của người địa phương nơi đây.

  • Bún Nom banh chok: được xem là món ăn quốc hồn quốc túy và là niềm tự hào của ẩm thực người Khmer, du khách nên một lần thưởng thức qua hương vị của món bún đơn giản nhưng lại vô cùng hấp dẫn này. Một tô bún Nom banh chok sẽ gồm những sợi mì gạo ăn kèm với giá đỗ, hoa chuối, lá bạc hà, dưa leo, các loại rau xanh và phần nước dùng hơi sệt với hương vị đậm đà của các loại gia vị quen thuộc của người Khmer.
  • Cá Amok: là món ăn nổi tiếng ở Phnom Penh được chế biến từ nhiều loại cá khác nhau, trong đó ngon nhất là cá lóc hoặc cá trê. Người đầu bếp sẽ cho cá đã phi lê, mắm bò hóc (prahok), nước dừa, đường thốt nốt và trứng vào trộn đều. Sau đó bọc lại bằng lá chuối rồi mang đi hấp chín.
  • Cơm thịt heo (Bai sach chrouk): du khách có thể tìm thấy món ăn này ở bất kỳ con phố hay các khu chợ địa phương ở Phnôm Pênh. Nguyên liệu chính đó là những miếng thịt heo được thái mỏng và tẩm ướp cùng tỏi, nước cốt dừa nướng chín trên bếp than cho ngấm đều gia vị. Ăn kèm món cơm thịt heo sẽ có canh nấu từ xương và củ cải đỏ ngâm gừng, dưa leo. Món này cũng khá giống cơm sườn hay cơm tấm ở Việt Nam mình.
  • Bánh mì kẹp Num Pang: có nguồn gốc từ nước Pháp, món ăn này có sự kết hợp độc đáo giữa hương vị Phương Tây với ẩm thực Á Đông. Rất đơn giản để thưởng thức món bánh mì nổi tiếng này ở bất kỳ con phố nào tại Phnôm Pênh. Bánh mì kẹp Num Pang là những ổ bánh mì nóng giòn với phần nhân gồm có pate bơ, sốt mayonnaise, cà rốt, chả, đu đủ xanh thái sợi và tương ớt.
  • Hủ tiếu Nam Vang: như bạn đã biết thì Nam Vang chính là tên gọi của Phnôm Pênh và đây cũng là nơi ra đời món hủ tiếu thơm ngon hấp dẫn này. Phần nước dùng có hương vị đậm đà và vị ngọt từ khô mực, tôm, mực, thịt nạc băm và các sợi hủ tiếu dai dai. Ngon nhất là phải nhắc đến phần lòng heo được chế biến kỹ lưỡng, không hề nghe mùi tanh và được tẩm ướp gia vị đặc trưng. Thực khách có thể ăn kèm món hủ tiếu Nam Vang với rau sống và thêm nước sốt đặc biệt của người Campuchia.

Các địa điểm tham quan hấp dẫn

Campuchia là một trong số ít các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á còn giữ chế độ Quân chủ lập hiến và còn Quốc vương cùng Hoàng tộc. Do đó khi ghé thăm thủ đô Phnôm Pênh thì địa điểm mà nhiều du khách đều muốn ghé thăm đó là Hoàng Cung Campuchia. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử để du khách khám phá.

  • Cung điện Hoàng Gia: công trình này được xây dựng theo lối kiến trúc Khmer vô cùng ngoạn mục. Tuy là nơi vua Campuchia đang sinh sống và làm việc nhưng vẫn có một số khu vực mở cửa để du khách vào tham quan. Cũng nằm trong khuôn viên này còn có chùa Bạc hay còn được gọi là Wat Preah Keo nghĩa là “ Ngôi chùa Phật Ngọc Lục Bảo”. Sở dĩ được gọi là Chùa Bạc bởi vì ngồi chùa có đến 5000 miếng bạc lát trên nền nhà và bên trong có thờ tượng Phật Ngọc Lục Bảo linh thiêng.
  • Chùa Wat Phnom (chùa Bà Pênh): là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng, thu hút cả Phật tử trong và ngoài nước đến hành hương. Đây còn là nơi lưu giữ thi thể của quốc vương Boliwat và hài cốt của vua Ponhea Yat. Đặc biệt thì ngôi chùa Wat Phnom chính là nguồn gốc xuất xứ của cái tên Phnôm Pênh như hiện nay.
  • Bảo tàng Quốc gia Campuchia: là nơi hiện đang lưu giữ những hiện vật khảo cổ về tôn giáo và nghệ thuật lâu đời nhất của người Khmer. Du khách có cơ hội được chiêm ngưỡng hơn nửa triệu mẫu vật từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 13. Tất cả đều thể hiện sự giàu có về một nền văn hóa của vương quốc Khmer xa xưa.
  • Tượng đài độc lập: đây là tượng đài hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia, được đặt ngay tại giao lộ của hai con đường lớn nhất ở thủ đô Phnom Penh là Sihanouk và Norodom. Tượng đài này xây dựng mô phỏng theo kiểu dáng của đền Angkor Wat và những công trình nổi tiếng khác của Campuchia. Nơi đây cũng là khu vực quảng trường thu hút nhiều người đến tham quan, đi dạo và chụp ảnh.

Bên cạnh đó nếu có thời gian vui chơi ở Phnôm Pênh nhiều hơn thì du khách có thể ghé thăm quan thêm những địa danh nổi tiếng khác như là: bảo tàng diệt chủng Toul Saleng, chùa Wat Ounalom, chùa Wat Langka, khu Sisowath Quay,…

Những trải nghiệm thú vị tại Phnom Pênh

So với những thành phố khác trong khu vực thì Phnôm Pênh không hiện đại hay nhộn nhịp bằng. Tuy nhiên nơi đây vẫn có nhiều thứ đáng giá để du khách tìm hiểu, kể cả về quá khứ lẫn một tương lai đang ngày càng phát triển hơn. Không chỉ là các địa danh để tham quan mà còn có một số hoạt động thú vị mà bạn cũng nên trải nghiệm thử trong chuyến du lịch Phnôm Pênh của mình

Ngồi thuyền dạo trên sông Tonle Sap

Ngồi trên thuyền để đi dạo trên sông Tonle Sap để ngắm hoàng hôn ở Phnôm Pênh là một trải nghiệm khiến du khách vô cùng ấn tượng. Có rất nhiều sự lựa chọn, từ những chiếc thuyền gỗ 2 tầng đầy tiện nghi như ghế sofa thoải mái và có phục vụ món ăn thức uống cho đến các loại thuyền nhỏ của ngư dân chỉ để ngồi ngắm cảnh. Tuỳ theo chi phí của mình mà bạn có thể chọn dịch vụ phù hợp. Nếu chưa biết làm gì vào buổi tối ở Phnôm Pênh thì du khách có thể thử hoạt động thú vị này.

Cambodian Living Arts – Apsara và điệu nhảy truyền thống Khmer

Cambodian Living Arts là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên tổ chức các buổi biểu diễn múa Apsara và điệu nhảy Khmer truyền thống tại bảo tàng Quốc gia Campuchia ở Phnôm Pênh. Vũ điệu Khmer truyền thống có lịch sử từ thế kỉ 18 nhưng gần như biến mất dưới chế độ Khmer Đỏ. Sau này thì tổ chức Cambodian Living Arts đã hồi sinh được bộ môn nghệ thuật truyền thống này nhờ tập hợp được các nghệ sĩ bậc thầy còn sống để đào tạo lại thế hệ trẻ sau này. Buổi trình diễn sẽ có những nghệ sĩ trong trong trang phục truyền thống của Khmer, biểu diễn tám điệu múa cổ truyền của các dân tộc thiểu số Campuchia với những màn biểu diễn đặc sắc nhất.

Thưởng thức đồ uống trong không gian lịch sử

Phnôm Pênh từng là thành phố được nhiều nhân vật nổi tiếng ghé thăm như: Jacqueline Onassis, Catherine Deneuve, Angelina Jolie… và tất cả đều lưu trú tại khách sạn sang trọng Raffles Hotel Le Royal. Khách sạn này cũng là nơi đã chứng kiến nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm trong quá khứ của Campuchia nói chung lẫn Phnôm Pênh nói riêng. Hiện tại thì quán Elephant Bar tại khách sạn Raffles Hotel Le Royal đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều nhân viên của các Đại sứ quán, cũng như nhân viên các tổ chức phi chính phủ làm việc tại đây. Do đó Elephant Bar sẽ là một điểm dừng chân lý tưởng để du khách thư giãn trong chuyến hành trình khám phá Phnôm Pênh.

Array

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *